• 41 & 51 Nguyễn Huệ, Phường Vĩnh Ninh, TP Huế
Cấp cứu 24/7
(0234)3837777
Hotline
0962871919
Phòng TC-HC
(0234)3847146

21

04

Phẫu thuật nội soi giảm áp dây thần kinh số VII đường trong ống tai điều trị bệnh nhân liệt mặt ngoại biên tại Bệnh Viện Trường Đại Học Y Dược Huế

21-04-2025 TS.BS Nguyễn Nguyện

Liệt mặt ngoại biên hay còn gọi là liệt dây thần kinh số VII ngoại biên là tình trạng đột ngột mất chức năng vận động hoàn toàn các cơ mặt một bên. Tình trạng này làm ảnh hưởng đến sự biểu hiện cảm xúc, hoạt động bài tiết nước mắt, nước bọt, vị giác, quan trọng và được người bệnh quan tâm hơn cả là làm mất thẩm mỹ.

Tổn thương dây thần kinh số VII do nhiều nguyên nhân. Một trong số các nguyên nhân được nghiên cứu là khiếm khuyết ống xương bao bọc dây thần kinh mặt dẫn đến bộc lộ dây thần kinh trong hòm nhĩ, gây nên tình trạng liệt mặt có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Điều trị tình trạng bệnh lý này phải có sự phối hợp giữa nội khoa và ngoại khoa, trong đó phẫu thuật nhằm mục đích giải phóng dây thần kinh VII khỏi ổ viêm và chèn ép.

Vừa qua, Khoa Tai Mũi Họng - Mắt - Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế đã thực hiện ca phẫu thuật nội soi giảm áp dây thần kinh số VII đường trong ống tai điều trị tình trạng liệt mặt cho một trường hợp bệnh nhân nữ,  33 tuổi, vào viện vì liệt mặt ngoại biên bên trái House-Brackmann độ IV, bệnh nhân được chẩn đoán liệt mặt ngoại biên trái/ Viêm tai xương chũm mạn tính trái theo dõi hồi viêm. Trên hình ảnh CT Scan tai xương đá có hình ảnh khiếm khuyết đoạn 2 dây thần kinh VII (Hình 1A), gây liệt mặt ngoại biên sau đợt viêm cấp (Hình 2A).

Hình 1. A Hình ảnh khiếm khuyết đoạn 2 dây thần kinh VII trên phim CT scan tai xương đá; B. Hình ảnh nội soi khoan bộc lộ dây thần kinh VII; C. Hình ảnh rạch bao giảm áp dây thần kinh VII

Có nhiều đường mổ tiếp cận giảm áp dây thần kinh số VII, ê-kíp phẫu thuật đã lựa chọn phương pháp can thiệp bằng đường nội soi trong ống tai cho bệnh nhân. Đây là phương pháp chưa được thực hiện rộng rãi tại Việt Nam. Sự ưu việt của kỹ thuật này là phẫu thuật chỉ cần lấy bỏ tối thiểu các cấu trúc giải phẫu mà vẫn lấy triệt để bệnh tích khu trú, hạn chế khoan bỏ vỏ xương chũm. Để thực hiện kỹ thuật này, phẫu thuật viên cần nắm rõ giải phẫu và đường đi của dây thần kinh VII, lựa chọn cường độ khoan trong ống tai thích hợp để không gây tổn thương các cấu trúc lân cận. Sau phẫu thuật, bệnh nhân nhắm mắt kín hơn, ăn uống dễ dàng hơn, House-Brackmann cải thiện độ III, bệnh nhân được cắt chỉ xuất viện sau 7 ngày.

Hình 2. A. Hình ảnh bệnh nhân trước phẫu thuật (mặt mất cân xứng, mắt trái nhắm không kín); B. Hình ảnh bệnh nhân sau mổ (mặt cân xứng hơn, mắt trái nhắm kín).

(Hình ảnh đăng tải đã được sự đồng ý của bệnh nhân)

Tác giả: TS.BS Nguyễn Nguyện*, BSNT Trần Phương Anh, PGS. TS Lê Thanh Thái.

Phẫu thuật viên: TS.BS. Nguyễn Nguyện

Khoa Tai Mũi Họng - Mắt - Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Trường Đại Học Y Dược Huế

CÙNG CHUYÊN MỤC
THEO DÒNG SỰ KIỆN
Thông tin Hội nghị Khoa học
Hoạt động chào mừng sự kiện

Phòng Vật tư, Thiết bị và Cơ sở vật chất

Thông báo chào mời giá Mua dụng cụ

25-04-2025
Phòng Vật tư, Thiết bị và Cơ sở vật chất

Thông báo chào mời giá Mua Hệ thống hút khí nóng

24-04-2025
Phòng Vật tư, Thiết bị và Cơ sở vật chất

Mua sắm giá để hoá chất, vật tư tại Khoa Hoá Sinh và Miễn Dịch

23-04-2025
Phòng Vật tư, Thiết bị và Cơ sở vật chất

Thư mời chào giá trang phục cho nhân viên y tế năm 2025

21-04-2025

Tin cập nhật