Sập van mũi gây nghẹt mũi là một bệnh lý hay gặp ở người gốc Âu nhưng ít gặp ở người châu Á do cấu trúc van mũi khác nhau ở từng chủng tộc. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn có thể mắc phải, đặc biệt ở các trường hợp có tiền sử chấn thương. Triệu chứng thường gặp là nghẹt mũi thường xuyên, đặc biệt là khi hít vào (trong trường hợp hẹp van mũi động) và nghẹt cả hai thì hít vào và thở ra (trong trường hợp hẹp van mũi tĩnh).
Hình 1. Bệnh nhân hẹp van mũi bên phải khi hít vào (mũi tên màu vàng)
Bệnh lý này thường bị bỏ sót khi thăm khám, dẫn đến cách tiếp cận điều trị không hiệu quả, ví dụ như chỉnh hình vách ngăn và cuốn dưới.
Hình 2. Hình ảnh van mũi hẹp khi hít vào làm hạn chế luồng không khí vào khoang mũi.
A: Van mũi thì thở ra; B: Van mũi thì hít vào
Kỹ thuật chỉnh hình van mũi bằng vật liệu cấy ghép tuy không mới, nhưng lựa chọn vật liệu implant để thực hiện và cách tiếp cận đến sụn cánh mũi cần được tính toán phù hợp với tình trạng, loại hình và mức độ hẹp van mũi.
Vừa qua, Khoa Tai Mũi Họng - Mắt - Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đại học Y Dược Huế đã tiến hành thực hiện kỹ thuật cấy ghép implant cho bệnh nhân đã thất bại với nhiều lần phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn và cuốn dưới trước đây ở các cơ sở y tế khác. Đặc biệt, bệnh nhân đã được chỉnh hình vách ngăn nên phần sụn tứ giác vách ngăn dùng làm vật liệu cấy ghép đã không còn.
Qua thăm khám, ê-kíp phẫu thuật đã lựa chọn phương pháp can thiệp dùng vật liệu implant định hình cho bệnh nhân. Đây là một kỹ thuật mới, còn ít khi được thực hiện tại Việt Nam cũng như tại Đông Nam Á. Sự ưu việt của kỹ thuật này là phẫu thuật ít xâm lấn, ít gây biến dạng thẩm mỹ và ít gây đau. Để thực hiện kỹ thuật này, phẫu thuật viên cần nắm rõ giải phẫu van mũi và đặt mảnh cấy ghép đúng vị trí. Sau phẫu thuật, bệnh nhân không còn cảm thấy nghẹt mũi, sụp cánh mũi khi hít vào như trước đây.
Hình 3. Các bước tiến hành kỹ thuật cấy ghép implant vào van mũi:
A. Đặt vật liệu implant vào thiết bị trocar
B. Đánh dấu vị trí đặt implant
C. Luồn trocar vào trên sụn mũi trên ngoài
D. Tạo đường hầm đặt implant
E. Đặt implant vào vị trí đã đánh dấu
F. Hình ảnh sau đặt implant
Hình 4. Chương trình khám và tầm soát các bệnh lý mũi xoang tại Bệnh viện Đại học Y Dược Huế
Đến với Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Dược Huế, bệnh nhân sẽ được khám và chẩn đoán, cũng như được thực hiện các kỹ thuật tiên tiến hàng đầu thế giới nếu đúng chỉ định, do các chuyên gia mũi xoang và dị ứng có kinh nghiệm báo cáo khoa học, được mời giảng dạy và hướng dẫn mổ cho các bác sĩ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Châu Âu và Hoa Kỳ thực hiện. Khi được thực hiện các kỹ thuật này, bệnh nhân có được sự thoải mái tối đa, không cần nhét meche và thời gian nằm viện chỉ còn 24 giờ.
Mọi chi tiết xin liên hệ:
Tiến sĩ Hoàng Phước Minh
Email: minhphuochoang@gmail.com
Bác sĩ Nguyễn Như Nguyên Anh
Email: nnnanh@huemed-uni.edu.vn